PHẨM CHẤT CAO QUÝ: SỰ TRUNG THỰC

Trung thực là thành thực với người và cả với chính mình, luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức chân thật trong từng lời nói và hành động. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính.

 

Tính trung thực giúp con người trở nên đáng tin cậy trong mọi mối quan hệ, giao dịch, đó là sức mạnh lớn nhất giúp thuyết phục người khác. Người trung thực không chấp nhận gian dối trong bất kì việc gì. Trung thực làm nên nhân cách con người. Sống trung thực không phải lúc nào cũng dễ, nó đòi hỏi sự dũng cảm và nghiêm khắc với bản thân. Walter Anderson cho rằng: “Cuộc sống sẽ thay đổi khi chúng ta biết nắm bắt các cơ hội cho mình, nhưng cơ hội đầu tiên và khó khăn nhất lại là việc chúng ta phải thành thật với chính bản thân mình”. Ngay cả khi phải đối diện với thất bại, thua thiệt, ta vẫn cần phải sống trung thực, có thế, ta mới có thể ngẩng cao đầu mà sống và cảm thấy thanh thản trong lòng. 

Theo Samuel Johnson: “Trung thực mà không hiểu biết thì yếu ớt và vô dụng, còn hiểu biết mà không trung thực thì thật là nguy hiểm và đáng sợ. Còn những người trung thực và hiểu biết sẽ là những người viết nên lịch sử của chính mình”. Người trung thực sẵn sàng lắng nghe những điều họ phải nghe về mình hơn là những điều họ muốn nghe. Người trung thực trước tiên là trung thực với chính bản thân mình, thành thật nhìn nhận những nhược điểm và sai lầm của mình. Họ nhận thức được là dù họ có công khai nhìn nhận sai lầm của mình hay không thì thường những người xung quanh vẫn biết.

 

Abraham Lincoln – Tổng thống thứ 16 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1861 – 1865) đã gởi bức thư sau cho thầy giáo của con mình: “Kính thưa thầy Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có những con người chính trực; cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng một đồng đôla kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với 5 đôla nhặt được trên hè phố...”

 

Sự trung thực là một phẩm chất quan trọng hàng đầu trên hành trình hiện thực hóa ước mơ của mình. Trung thực cũng là phẩm chất hàng đầu của nhà lãnh đạo. Những người thiếu trung thực, nhất thời có thể đạt được những lợi ích nhất định, nhưng không sớm thì muộn sẽ bị phát hiện và sẽ đánh mất lòng tin của người khác. Người không trung thực khó lòng duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài và đứng vững được trong xã hội. Nếu không muốn thất bại, vì tự hủy hoại các mối liên hệ, kể cả đối với những người thân, thì cần ghi nhớ “một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Không ít chính khách và người đứng đầu quốc gia đã gánh chịu những thất bại đau đớn khi sự thiếu trung thực bị phơi bày trước công luận.

 

Muốn người khác trung thực với mình thì trước tiên mình phải là người trung thực. Người có nhân cách không ngừng tu dưỡng để có được phẩm chất trung thực.
(Nguồn: tam-sang)
Liên hệ


Loading ...